Bệnh động mạch vành (ĐMV) là một trong những nguyên nhân gây tử vong hàng đầu trên thế giới. Sự hiểu biết đầy đủ về nguyên nhân- triệu chứng, cũng như các biện pháp phòng ngừa bệnh lý giúp kiểm soát tốt và hạn chế tỷ lệ tử vong do bệnh này gây ra.
ĐMV là tên gọi của một hệ thống các mạch máu dẫn máu đến nuôi trái tim của chúng ta. ĐMV được hình dung như là hệ thống ống nước của một thành phố; hệ thống ống nước này dẫn nước từ các nhà máy nước đến cung cấp cho một thành phố nào đó. Hệ thống ĐMV rất quan trọng, khi hệ thống này bị “trục trặc”, tim không có đủ máu nuôi dưỡng, cơ tim sẽ bị tổn thương, thậm chí cơ tim có thể bị chết.
Tìm hiểu về bệnh ĐMV
Tất cả các bộ phận trong cơ thể con người đều có thể bị bệnh. ĐMV cũng không nằm ngoài quy luật này. Khoa học ghi nhận, ĐMV có thể bị viêm (như bệnh Kawasaki ở trẻ em), có thể bị xơ hóa (như trong xơ hóa động mạch vành do tia xạ), nhưng dạng bệnh mà ĐMV hay bị nhất là xơ vữa động mạch. Xơ vữa động mạch là một quá trình tích tụ các hạt cholesterol trong thành của động mạch, tạo ra các mảng xơ vữa động mạch. Các mảng này lớn dần theo thời gian, gây hẹp lòng ĐMV; làm tắc ĐMV một cách cấp tính.
Hậu quả của bệnh ĐMV
Như đã nêu ở trên, khi lòng ĐMV bị hẹp hoặc động mạch vành bị tắc sẽ gây ra tình trạng thiếu máu nuôi cơ tim. Tùy theo tình trạng thiếu máu cơ tim ít hay nhiều, ngắn hay dài, cấp tính hay mạn tính, mà có thể dẫn đến những hậu quả khác nhau cho người bị bệnh ĐMV.
Nếu tình trạng hẹp lòng ĐMV khá nhiều và cố định sẽ gây ra hậu quả cho người bệnh. Cụ thể: bị bệnh tim thiếu máu cục bộ mạn, biểu hiện là đau thắt ngực ổn định, mạn tính. Giới y khoa có tên gọi mới nhất cho dạng bệnh này là Hội chứng ĐMV mạn. Người bệnh sẽ bị đau thắt ngực khi gắng sức. Điều này sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến công việc cũng như chất lượng cuộc sống của người bệnh. Ngoài ra, nếu để tình trạng thiếu máu cơ tim cục bộ mạn tính này kéo dài sẽ có nguy cơ bị suy tim hoặc nguy cơ bị nhồi máu cơ tim cấp.
Động mạch vành và các nhánh của nó
Nếu có tình trạng vỡ mảng xơ vữa của thành ĐMV sẽ gây ra hiện tượng tạo cục máu đông tại nơi vỡ và gây hẹp tiến triển hoặc tắc luôn lòng ĐMV. Nếu tình trạng tắc nghẽn lòng ĐMV xảy ra thì tế bào cơ tim sẽ bị chết do không có máu từ ĐMV đến nuôi. Tình trạng này được gọi là nhồi máu cơ tim cấp. Nhồi máu cơ tim cấp sẽ dẫn đến tử vong và suy tim sau nhồi máu cơ tim.
Những con số báo động
Theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), thực hiện vào năm 2005, trên thế giới trong năm 2002 có 17 triệu người tử vong do bệnh tim mạch; dự đoán số này là 20 triệu vào năm 2020 và 24 triệu vào năm 2030. Trong số tử vong do bệnh tim mạch thì số tử vong do bệnh ĐMV và đột quỵ chiếm tỷ lệ cao nhất.
Số liệu của Trung tâm kiểm soát bệnh tật của Hoa Kỳ (báo cáo năm 2019) cho biết, bệnh ĐMV là dạng bệnh tim mạch phổ biến nhất và gây tử vong nhiều nhất. Bệnh này đã gây tử vong cho 365.914 người trong năm 2017. Tính trung bình, mỗi ngày ở Hoa Kỳ có 1.000 người tử vong do bệnh ĐMV.
Cũng theo thống kê của WHO, trong những năm gần đây, tỷ lệ 80% về bệnh tim mạch sẽ là gánh nặng của các quốc gia có mức thu nhập thấp đến trung bình. Việt Nam chúng ta hiện chưa có thống kê chính thức, nhưng theo ý kiến cá nhân thì dạng bệnh này đang tăng lên nhanh chóng. Thống kê của WHO cho biết, trong năm 2017, Việt Nam có 58.452 người bệnh tử vong do bệnh ĐMV. Như vậy, trung bình mỗi ngày có 160 trường hợp tử vong do bệnh ĐMV ở Việt Nam.
Bệnh ĐMV là một dạng bệnh rất phổ biến và rất nguy hiểm. Tuy đã có nhiều tiến bộ trong phòng ngừa và điều trị, nhưng đây vẫn là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong trên toàn thế giới. Điều này đặt ra yêu cầu học tập, phổ biến kiến thức về phòng bệnh nhiều hơn nữa; để có thể góp phần làm giảm số người tử vong do bệnh này gây ra.