Thức ăn nhanh, thực phẩm chiên nướng đang được sử dụng rất phổ biến, dẫn đến thói quen ăn ngon, ăn cho “sướng miệng”, mà không cần quan tâm đến chế độ ăn uống khoa học.
Điều này khiến gan phải “giải quyết” một lượng thực phẩm giàu đạm, giàu chất béo, nhiều đường, dư thừa năng lượng mà con người tiêu thụ. Lâu dần, tế bào gan suy yếu, gây ra những bệnh tật và nhiều bệnh mạn tính nguy hiểm.
I. Gan - nhà máy hóa chất của cơ thể
Gan là cơ quan lớn nhất của cơ thể, nặng khoảng 1,5kg ở người trưởng thành. Gan đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong quá trình chuyển hóa của cơ thể, bao gồm chuyển hóa các chất, lipid, protein, chuyển hóa thuốc. Gan điều hòa đường huyết, sản xuất dịch mật cho việc tiêu hóa chất béo, dự trữ nhiều chất (vitamin A, D, K, B12, sắt, đồng…), có vai trò trong hệ miễn dịch. Ngoài ra, gan tổng hợp một số hóc-môn, enzym chuyển hóa và các yếu tố đông máu.
Hầu hết các quá trình chuyển hóa của cơ thể đều do gan đảm trách hoặc liên quan. Gan là “nhà máy hóa chất” của cơ thể, điều hòa các quá trình tổng hợp - phân giải cũng như giải độc vô số chất độc cho cơ thể; ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động của các hệ, các cơ quan khác cũng như toàn bộ cơ thể. Các bệnh về gan làm cho nồng độ nhiều chất trong cơ thể bị rối loạn, dẫn đến các bệnh chuyển hóa cũng như các biến chứng nguy hiểm.
Ngày nay, lối sống cũng như các loại thực phẩm không lành mạnh ảnh hưởng rất nhiều đến chức năng gan. Bằng chứng là nhiều bệnh như ung thư gan, xơ gan, viêm gan, gan nhiễm mỡ trở nên phổ biến. Trong đó, bệnh gan nhiễm mỡ không do rượu trong những năm gần đây gia tăng mạnh trên toàn cầu.
II. Những “kẻ thù” nguy hiểm mà gan phải đối mặt hằng ngày
1. Những loại đậu, hạt mốc
Các loại bánh mì, bánh ngọt, ngũ cốc, đậu, hạt như gạo, ngô, lạc… khi bảo quản trong điều kiện nóng ẩm của Việt Nam rất dễ bị nấm mốc xâm nhiễm. Vài loại vi nấm sản xuất aflatoxin, một loại độc tố gây ung thư gan với hàm lượng cực kỳ nhỏ (cỡ phần tỷ), gây hoại tử gan, tử vong với hàm lượng lớn hơn. Độc tố này rất bền với nhiệt, vì vậy mà không bị phân hủy ngay cả khi chế biến ở nhiệt độ cao, vì vậy tuyệt đối không sử dụng thực phẩm bị mốc hoặc bảo quản lâu ngày trong điều kiện ẩm, không đảm bảo.
2. Thực phẩm giàu đạm, giàu chất béo và chất bảo quản
Gan chịu trách nhiệm chính cho quá trình chuyển hóa protein, tổng hợp cũng như thoái giáng các loại protein và axit amin. Khi cơ thể dung nạp dư thừa chất đạm cũng là lúc gan phải làm việc nhiều hơn để chuyển hóa. Đặc biệt là thịt đỏ và các loại nội tạng động vật với hàm lượng cholesterol cao gây nhiều nguy cơ cho sức khỏe.
Các loại thịt thường được chế biến dưới hình thức chiên, nướng để tăng hương vị, kích thích vị giác người ăn. Từ đây, gan lại phải xử lý lượng lớn chất béo kèm theo. Các loại dầu mỡ kém chất lượng được dùng chiên đi chiên lại nhiều lần gây nguy cơ ung thư cao gấp hàng trăm lần dầu ăn chỉ dùng một lần. Chất đạm, chất béo trải qua quá trình chiên, nướng ở nhiệt độ cao sẽ bị biến chất, sinh ra các độc tố nguy hiểm gây ung thư gan, ung thư các bộ phận khác trong cơ thể. Vì vậy, nên hạn chế đồ ăn chiên nướng, chỉ sử dụng ở mức độ vừa phải, tốt nhất nên dùng thực phẩm luộc, hấp.
Thức ăn nên được chế biến để chỉ sử dụng vừa đủ trong ngày, hạn chế bảo quản dài ngày trong tủ lạnh và làm nóng lại nhiều lần, như thế sẽ dễ sinh độc tố gây hại. Thức ăn nhanh, thực phẩm chế biến sẵn như thịt xông khói, xúc xích… cũng là nguồn chứa rất nhiều chất béo, muối, chất bảo quản không tốt cho sức khỏe của lá gan, gây béo phì và nguy cơ ung thư. Người dùng còn phải cân nhắc lựa chọn khi ngày càng có nhiều loại thực phẩm nhiễm thuốc trừ sâu, chứa hóa chất độc hại, dễ dàng “bức tử” gan.
3. Thức ăn sống
Tôm, cá, ốc với hình thức chế biến ăn sống, thịt trâu bò tái, các loại rau thủy sinh không qua nấu chín (rau nhút, rau muống, ngó sen…),… là những thức ăn có nguy cơ cao; mang các loại ký sinh trùng gây tổn thương và hủy hoại gan, đặc biệt là sán lá gan. Để tránh nguyên nhân tổn thương gan, nên ăn chín - uống sôi, vừa dễ tiêu hóa vừa an toàn.
4. Rượu, bia, nước giải khát và đồ ngọt
Khi người dùng lạm dụng rượu, bia, lượng lớn cồn chứa trong các thức uống này sẽ làm các tế bào gan phải làm việc liên tục để giải độc cho cơ thể. Nhưng khả năng của gan có giới hạn, lâu dần các tế bào gan mệt mỏi và bị tổn thương, hoại tử, không còn khả năng giải độc hoàn toàn chất cồn nữa. Lúc này, gan và toàn bộ cơ thể bị đầu độc, dẫn đến bệnh lý gan nhiễm mỡ, viêm gan, xơ gan, ung thư gan do rượu bia.
Các loại bánh kẹo chế biến sẵn, nước ngọt, nước giải khát đóng chai, các loại trà sữa chứa rất nhiều đường, đặc biệt là đường fructose (đường HFCS). Tiêu thụ nhiều đường sẽ khiến cơ thể tăng cân không kiểm soát, gây béo phì, tăng vòng bụng, tăng nguy cơ bệnh tim mạch, gan nhiễm mỡ, rối loạn lipid máu. Màu nhân tạo trong các thực phẩm này cũng có khả năng gây độc cho gan.
Khi lạm dụng rượu, bia sẽ làm các tế bào gan phải làm việc liên tục
5. Các loại thuốc, thực phẩm chức năng tự ý sử dụng
Bất kỳ loại thuốc hay thực phẩm chức năng nào, dù là loại không cần kê đơn thì ngoài hiệu quả trị liệu cũng sẽ mang đến tác dụng không mong muốn, ít nhiều đều ảnh hưởng đến gan vì gan là nơi chuyển hóa thuốc của cơ thể. Bệnh nhân mắc bệnh về gan phải có sự điều chỉnh liều so với người bình thường khi sử dụng một số loại thuốc. Vì vậy, phải tham khảo ý kiến bác sĩ, dược sĩ khi dùng thuốc, đặc biệt khi dùng một loại thuốc thường xuyên trong thời gian dài.
III. Lời khuyên để có một lá gan khỏe mạnh
Luôn thiết lập và duy trì lối sống khoa học:
- Chế độ dinh dưỡng khoa học, cân đối: nhiều rau quả, chất xơ và vitamin; vừa đủ lượng tinh bột, chất đạm và chất béo. Kiểm soát cân nặng phù hợp. Hạn chế thức ăn nhanh, thực phẩm đóng hộp, chiên nướng.
- Tập thể dục, thể thao để tăng cường quá trình trao đổi chất của cơ thể cũng như nâng cao thể trạng.
- Uống đủ nước (khoảng 2 đến 2,5L/ngày) để quá trình giải độc, thải độc của gan diễn ra thuận lợi và nhanh chóng hơn. Đặc biệt sau khi dùng rượu, bia phải tăng cường cung cấp nước cho cơ thể.
- Đi ngủ đúng giờ: ngủ sớm và đảm bảo đủ giấc để gan cũng như toàn bộ cơ thể có thời gian hồi phục tốt nhất.