Trong điều kiện thời tiết có nhiều thay đổi như hiện nay, nhất là đang bình thường chuyển sang mưa nhiều, độ ẩm cao; sẽ gia tăng một số bệnh nhất là bệnh về đường hô hấp, bệnh phổi... Với người cao tuổi (NCT), ngoài các bệnh nói trên thì các bệnh đau nhức xương khớp cũng thường “thăm hỏi” vào dịp này.
Đau xương khớp trong y học cổ truyền (YHCT) quan niệm như thế nào về bệnh này, và làm thế nào để phòng bệnh xương khớp cho NCT?
Bệnh đau xương khớp là một căn bệnh rất phổ biến ở Việt Nam do khí hậu nhiệt đới, ẩm thấp và áp suất không khí thường xuyên biến đổi. Biểu hiện của bệnh xương khớp có thể là đau nhức các khớp xương (ở đầu gối, ngón tay, khuỷu tay, vai, hông), đau mỏi toàn thân, tê buồn chân tay, đau cổ, đau vai gáy, đau lưng hoặc đau thần kinh tọa do thoát vị đĩa đệm.Khi thời tiết thay đổi, đặc biệt là khi thời tiết chuyển sang lạnh và ẩm ướt, đại đa số người bệnh lo lắng bệnh viêm khớp sẽ gây đau đớn hơn.
NCT là đối tượng chịu ảnh hưởng nhiều nhất về sức khỏe khi thời tiết chuyển mùa từ nóng sang lạnh, thời tiết ẩm ướt, mưa nhiều, đặc biệt là độ ẩm không khí tăng cao. Với một loạt các bệnh mãn tính sẵn có, trong khi sức đề kháng cơ thể giảm sút, nên NCT rất nhạy cảm với sự thay đổi thời tiết.
Theo YHCT, cơ thể con người là một thể hoàn chỉnh sẽ luôn thích ứng và phù hợp với thiên nhiên. Vì vậy, những ảnh hưởng của thiên nhiên hoặc những thay đổi bất thường của cơ thể đều ảnh hưởng đến sức khỏe.
Quan điểm của YHCT, cơ thể cần được cân bằng âm dương để tạo lập chính khí mạnh. Chính khí mạnh giúp cơ thể con người chống chọi lại bệnh tật tốt hơn. Tuy nhiên, nếu thời tiết có những biểu hiện xấu như: ẩm thấp, quá lạnh, quá nóng… đều gây ảnh hưởng đến sức khỏe con người.
Sự xâm nhập của các yếu tố thời tiết cực đoan qua nhiều đường, trong đó có xâm nhập trực tiếp; tức là sự xâm nhập thẳng từ bên ngoài vào các cơ quan bên trong thường vào các tạng phủ. Sự xâm nhập này thường gây ra bệnh rất nặng.
Xâm nhập bình thường là do cơ thể không đủ chính khí để bảo vệ, bệnh thường phát ở phế trước.
Với bệnh xương khớp ở người cao tuổi sự thay đổi thời tiết thường gây ra chứng Tý - đau nhức, tê bì, nặng nề ở người và đau nhức các khớp xương.
Nguyên do là khí phong, hàn, nhiệt, thấp, táo, hỏa… gây nên. Các loại yếu tố phong, hàn, thấp nhiệt, táo, hỏa… là tên gọi bình thường của các khí ở bên ngoài. Khi xâm nhập vào cơ thể biến thành tà khí phong tà, hàn tà, nhiệt tà... Một khí hoặc có thể nhiều khí kết hợp với nhau để gây bệnh ví dụ như phong thấp, hàn thấp…
Cơ chế gây bệnh: Các yếu tố phong hàn, thấp nhiệt xâm nhập vào cơ thể gây tắc trở kinh lạc tạo ra đau nhức (cơ thể con người có 12 hệ thống kinh lạc vận hành khí, nhưng khí không lưu thông được sẽ gây ảnh hưởng tới các tạng nhất là tạng thận, can, tỳ...).
Tạng thận chủ cốt tủy, tạng can chủ tàng huyết.
Tạng tỳ chủ thống huyết, nhấp huyết…
Vì vậy, khi điều trị bệnh xương khớp theo quan niệm YHCT, phải lưu thông khí huyết, trừ các yếu tố gây hại, bồi bổ khí huyết; bổ các tạng bị ảnh hưởng để nâng cao chính khí, cân bằng âm dương.
Để phòng bệnh ta nên chú ý tăng cường sức khỏe. Nên có chế độ dinh dưỡng hợp lý . Luyện, giữ cho tinh thần thoải mái, giảm tối đa các yếu tố bất lợi cho cơ thể, ăn uống đủ chất, tăng cường tập luyện.
Cần giữ ấm cho cơ thể nhất là các khớp gối, cổ chân, bàn chân, bàn tay. Nên có chế độ nghỉ ngơi hợp lý, tránh làm các việc nặng, tránh ngồi lâu một vị trí (nhất là thoái hóa cột sống thắt lưng, cột sống cổ), tránh ngồi xổm (thoái hóa cột sống thắt lưng).