Viêm tủy xương có thể gây tàn tật

Cẩm nang sức khỏe 06/07/2023

Viêm tủy xương hay cốt tủy viêm là một tình trạng nhiễm khuẩn cấp tính hay mạn tính ở xương bao gồm tủy xương hay mô mềm quanh xương. Thường do tụ cầu vàng gây bệnh hay liên cầu trùng tạo máu.

Vi khuẩn xâm nhập xương từ máu trong cơ thể sau khi bị gãy xương, nhọt, vết ăn trên da, nhiễm trùng tai giữa, viêm phổi hay bất kì bệnh nhiễm trùng nào. Bệnh thường xảy ra ở trẻ em nhỏ với diễn tiến gây hạn chế vận động hoặc điều trị muộn trẻ có thể bị ngắn xương và biến dạng.

Dấu hiệu nhận biết

Viêm xương tủy cấp chủ yếu gặp ở tuổi học đường tuổi từ 6-16 chiếm 80% số ca mắc bệnh. Giai đoạn đầu dấu hiệu mơ hồ, không rõ ràng, dễ bỏ qua. Thông thường trẻ bỗng nhiên sốt cao, nhiễm trùng nhẹ. Trẻ kêu đau quanh chi, hạn chế hoạt động (trái với thường lệ). Khám thấy sưng nề nhẹ quanh đầu xương (hay gặp nhất viêm xương quanh gối), ấn vào khớp không đau. Ở giai đoạn muộn khi viêm đã phá ra tổ chức phần mềm, toàn thân bệnh nhân có hội chứng nhiễm khuẩn trùng rõ. Tại chỗ có ổ áp-xe cơ ở chi: sưng - nóng - đỏ - đau và ở giữa bùng nhùng mủ. Nhiều khi có lỗ dò mủ ra ngoài. Lỗ dò mủ do viêm xương có đặc điểm điển hình: da quanh lỗ dò thâm, da sát xương, mủ chảy qua lỗ dò mùi hôi, tanh...

 

Điều trị kháng sinh đường tĩnh mạch cho bệnh nhân viêm tủy xương.

Giai đoạn cấp tính: Viêm lan tỏa trong tủy xương, sau đó theo tổ chức liên kết của mạch máu, rồi theo ống Havers. Ổ mủ hình thành ở hành xương, quanh ổ mủ xương bị tiêu, phá hủy dưới màng xương và lan ra phần mềm (thành ổ áp-xe), cuối cùng vỡ ra ngoài da thành viêm dò mạn tính. Viêm xương tủy thứ phát sau một ổ nhiễm trùng kế cận: Như tổn thương phần mềm, loét trợt do tỳ đè, viêm mô tế bào, loét da dinh dưỡng... Thông thường chẩn đoán dạng này thường chậm, khi nhiễm khuẩn đã trở thành mạn tính. Các triệu chứng đau, sốt, sưng nóng đỏ biểu hiện cấp tính có thể do ổ viêm ban đầu. Đau, tiết dịch tại chỗ dai dẳng. Khi phát triển thành viêm mạn tính thường triệu chứng toàn thân và tại chỗ không rầm rộ.

Giai đoạn mạn tính: Bệnh viêm cốt tủy cấp có thể tiến triển âm ỉ thành mạn tính với diễn tiến bệnh kéo dài, có những giai đoạn im lặng nhưng tái diễn nhiều lần (dưới 5%). Các biến chứng muộn có thể gặp là gãy xương bệnh lý. Có 2 quá trình xảy ra đồng thời với nhau: Quá trình hủy hoại: tạo các hốc mủ, tổ chức hạt, tổ chức xơ, vi khuẩn và miếng xương chết. Quá trình tái tạo: màng xương phản ứng mạnh mẽ sinh ra xương mới.

Điều trị viêm tủy xương thế nào?

Viêm tủy xương cấp tính nếu không được điều trị gì thì bệnh nhân có thể tử vong do nhiễm khuẩn toàn thân mỗi ngày một tăng lên hoặc là do ổ áp-xe dưới cốt mạc sẽ vỡ ra phần mềm rồi rò ra ngoài. Nếu được điều trị có thể khỏi hoàn toàn hoặc điều trị không triệt để có thể chuyển thành viêm tủy xương mạn tính, vì vậy cần phải có phương pháp điều trị sớm, hiệu quả. Cụ thể: Chẩn đoán bệnh sớm; dùng kháng sinh đường tĩnh mạch, dẫn lưu mủ và tổ chức hoại tử (nếu có); Ngay trước khi cho thuốc cần cấy máu, cấy dịch khớp, làm nhanh xét nghiệm dịch khớp hoặc bệnh phẩm mủ tại chỗ bằng phương pháp soi tươi nhuộm gram tìm vi khuẩn...

Nguồn: https://suckhoedoisong.vn/viem-tuy-xuong-co-the-gay-tan-tat-169177270.htm

Cẩm nang sức khỏe liên quan khác

icon-messenger
icon-zalo
icon-phone